Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư. Những thuật ngữ khác của ung thư là khối u ác tính hoặc tân sinh ác tính (malignant neoplasm).
Ung thư không chỉ là một bệnh mà là nhiều bệnh. Có hơn 100 loại ung thư khác nhau.
Ung thư là nguyên nhân số 2 gây tử vong ở Mỹ, chỉ đứng sau bệnh tim
Về cơ bản, nó ảnh hưởng đến cách tế bào của chúng ta phát triển, phân chia và thay đổi chúng ngược quá trình. Tất cả các loại bệnh ung thư là kết quả của sự tổn thương hoặc đột biến di truyền trong DNA.
Những dấu hiệu của bệnh lây lan khắp cơ thể như một "đội quân xâm lược", khi các tế bào độc hại phát triển không ngừng vào các khối u bất thường.
Một số trường hợp ung thư nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng được xác định bởi các khuyết tật di truyền và các khuynh hướng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc bị thúc đẩy bởi những thay đổi di truyền mà chúng ta trải qua suốt cuộc đời.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng khi hít thở phải một số chất, ăn những thức ăn cụ thể, và thậm chí sử dụng một số loại nhựa sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư chết người.
Dưới đây là một số chất gây ung thư được biết đến, cũng như một số điều hơn thế nữa đang được các nhà khoa học xem như là "nghi phạm" chính gây bệnh ung thư.
1. Đường
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ dẫn đến bệnh tiểu đường mà còn làm tổn thương tế bào của bạn và tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Nghiên cứu mới cho thấy, đường có thể thúc đẩy sự phát triển khối u trong cơ thể, bởi vì các tế bào ung thư thích sử dụng đường làm nhiên liệu cho sự phát triển của chúng.
Johan Thevelein, một nhà sinh vật học phân tử của Bỉ, cho biết sau khi hoàn thành nghiên cứu vào tháng 10 vừa qua: "Việc thường xuyên tiêu thụ đường khiến các tế bào ung thư thường xuyên hoạt động, dẫn đến một chu kỳ luẩn quẩn của sự tiếp tục phát triển ung thư’.
Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu là bước đột phá giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức đường và ung thư tương tác với nhau. Và một ngày nào đó, nó có thể giúp tạo ra các chiến lược cho một chế độ ăn uống phù hợp với người bệnh.
2. Thực phẩm chế biến
Bất kỳ loại thực phẩm nào có vỏ bọc hay đóng gói bằng túi/hộp nhựa dẻo, được đóng kín trong quy trình sản xuất công nghiệp và được thiết kế để bảo quản trong nhiều tháng mà không bị hư hỏng có thể là một cách tiện lợi khắc phục cơn đói của bạn, nhưng nó cũng là khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Gần đây, các nhà khoa học ở Pháp đã tìm ra mối liên kết giữa những người ăn nhiều thực phẩm chế biến và những người có bệnh ung thư phát triển.
Họ không chắc chắn rằng liệu vấn đề có phải chính là các nguyên liệu giá trung bình, bao bì nhựa hay là sự kết hợp của cả hai. Và bởi vì nghiên cứu mang chủ quan, nên cũng có thể bệnh ung thư phát triển là do một số yếu tố ẩn khác trong công việc của người bệnh.
3. Thuốc lá
Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá đã cố gắng che đậy điều này, nhưng chúng tôi đã nghiên cứu trong nhiều năm rằng khói thuốc lá có ít nhất 70 hóa chất gây ung thư bên trong.
Không chỉ những người hút thuốc bị ảnh hưởng - những người hít phải khói thuốc lá cũng có thể bị mắc phải các bệnh ung thư chết người.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: "Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi lên đến 20 - 30%." Những người nhai thuốc lá cũng có nguy cơ gia tăng.
4. Phơi nắng và da không được bảo vệ
Theo Quỹ Ung thư da Hoa Kỳ, những người sử dụng giường tắm nắng – tanning bed – loại giường có phát ra tia cực tím rất giống với ánh nắng mặt trời - trước tuổi 35 làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính lên đến 75%.
Tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời thường xuyên có thể làm tổn thương da bạn, vì vậy, hãy mặc quần áo bảo hộ và kem chống nắng, tìm bóng râm là những ý tưởng hay nếu bạn sắp phải ra ngoài nắng trong thời gian dài hơn 15 phút.
5. Hóa chất độc hại tại nơi làm việc
Những người có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ung thư trong công việc bao gồm:
- Công nhân nhôm.
- Họa sĩ.
- Xây dựng, người tiếp xúc với chất benzen gây ung thư.
- Các nhà sản xuất cao su.
- Những người làm tóc với thuốc nhuộm mỗi ngày.
- Nhân viên tiệm làm móng.
Và tất cả những người làm ca đêm (Năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại công việc ban đêm là chất gây ung thư).
CDC - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kì có một danh sách đầy đủ các nguy cơ mắc ung thư từ nghề nghiệp.
6. Asen
Asen, một phần trong tự nhiên của lớp Vỏ Trái Đất, ở dạng vô cơ nó vô cùng độc hại. Asen thường được tìm thấy trong nước uống bị ô nhiễm ở những khu vực như Bangladesh, hoặc ở những nơi mà hệ thống tưới tiêu cây trồng sử dụng nước có nhiễm asen.
Tổ chức Y tế Thế giới – WHO cho biết có ít nhất 140 triệu người ở 50 quốc gia đang uống phải nguồn nước có hàm lượng asen cao. Asen cũng là một trong những tác nhân gây ung thư có trong thuốc lá.
7. Thịt nướng trên lửa
Thịt được hun khói từ lò nướng có thể sẽ rất mềm và ngon, nhưng chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cho bạn. Đó là bởi vì các loại thịt có chứa các hợp chất được gọi là amin dị vòng, hoặc HCAs, và các hydrocacbon thơm đa vòng, hoặc PAHs.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kì, khi các loại thịt như thịt bò, thịt gia cầm hoặc cá được nấu trên ngọn lửa nóng hoặc chiên ở nhiệt độ cao, chất béo và nước ép thịt chảy vào ngọn lửa với các hóa chất nguy hiểm bên trong, sau đó lại chính ngọn lửa đó nướng chín thịt cho chúng ta ăn.
Chúng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư, nhưng trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, những hoá chất này đã được tìm thấy để thay đổi DNA theo những cách có thể để làm tăng nguy cơ ung thư.
8. Than: Những người thợ mỏ than trong nhiều năm có tỷ lệ cao mắc ung thư phổi, bàng quang và dạ dày. Chúng ta có đầy đủ dữ liệu để đưa ra khuyến nghị đối với các thợ mỏ xử lý khí hóa than hoặc những người hít bụi than rằng họ có thể bị ung thư.
9. Rượu: Tiêu thụ lượng rượu lớn, nặng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư cổ họng, gan, vú và ruột kết.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kì, "nguy cơ phát triển ung thư tăng lên tỉ lệ thuận với lượng rượu mà một người uống".
Một phân tích mới đối với gần 600.000 người uống rượu ở 19 quốc gia có thu nhập cao trên thế giới phát hiện ra rằng uống nhiều rượu có liên quan đến việc phát triển tất cả các loại ung thư của hệ tiêu hóa.
10. Khí thải từ dầu diesel: Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong dầu diesel có hơn 30 thành phần có thể gây ung thư.
11. Thịt muối hoặc cá và thức ăn muối: Cá muối, vốn rất phổ biến ở Trung Quốc, có hàm lượng nitrat và nitrit cao – đây đều là những chất gây ung thư được biết đến ở động vật và cũng có thể gây ung thư ở người. Các hợp chất hóa học có thể làm hỏng DNA, dẫn đến ung thư đầu và cổ.
Theo nghiên cứu về ung thư tại Anh, "những người từ Trung Quốc, hoặc có tổ tiên người Trung Quốc sống ở Anh, có tỷ lệ ung thư mũi họng cao hơn các nhóm dân tộc khác", nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống của họ.
Ăn nhiều thức ăn muối cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
12. Công nghệ khai thác dầu Fracking: Hóa chất được sử dụng trong khai thác dầu fracking có thể phát tán vào không khí và nguồn nước như benzen và formaldehyde có thể gây ung thư.
13. Các loại thịt chế biến như giăm bông, thịt xông khói và xúc xích
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các loại thịt chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói và xúc xích có thể gây ung thư. Đó là do các loại thịt này đã được xử lý bằng cách nào đó để bảo quản hương vị của nó trong thời gian lâu hơn, chẳng hạn như bằng cách muối, lên men hoặc dấm thuốc.
WHO cho biết rất có thể bất kỳ loại thịt đỏ nào cũng đều liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng. Có một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, các loại thịt chế biến cũng góp phần vào ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt.
14. Amiăng - tên gọi chung của loại sợi khoáng silicat: Amiăng được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt trong nhiều năm trước và bụi của chúng có liên quan đến bệnh ung thư phổi.
Các sản phẩm có chứa amiăng không bị cấm hoàn toàn ở Mỹ, mặc dù Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã tiết chế việc sử dụng chúng.
15. Kiểm soát việc sinh để và lượng estrogen: Phụ nữ bắt đầu kinh nguyệt hoặc đi vào thời kỳ mãn kinh sớm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú vì họ tiếp xúc với nhiều estrogen và progesterone trong buồng trứng.
Sử dụng thuốc ngừa thai cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, mặc dù có một số bằng chứng cho thấy việc kiểm soát sinh đẻ có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác như tử cung và buồng trứng.
16. Virus: Nhiễm một số loại virus có thể là nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư của bạn. Vì trong một số trường hợp, virus làm thay đổi di truyền trong các tế bào có thể góp phần gây ung thư.
CDC cho biết: "Một số loại virus liên quan đến ung thư là virus papillomavirus (HPV) ở người gây ung thư cổ tử cung, virus viêm gan B, C có thể gây ung thư gan và virus Epstein-Barr, có thể gây ra một loại ung thư hạch. Ngoài ra, vi khuẩn H.pylori có thể gây ung thư dạ dày".
17. Di truyền: Một số nguy cơ mắc ung thư được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đột biến di truyền chiếm một lượng lớn khoảng 5 - 10% của tất cả các loại bệnh ung thư.
"Những thay đổi về mặt di truyền thúc đẩy ung thư phát triển có thể được di truyền từ cha mẹ của chúng tôi nếu những thay đổi đó có mặt trong các tế bào mầm, đó là các tế bào sinh sản của cơ thể (trứng và tinh trùng)", Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kì cho biết.
Ví dụ như một số loại ung thư vú là kết quả của đột biến trong gen BRCA1 và BRCA2.
18. Béo phì: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư bao gồm vú, đại tràng, trực tràng, thực quản, thận và tuyến tụy.
Nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ đó đi bằng các biện pháp phòng ngừa như ăn thức ăn lành mạnh và tập luyện thể thao. Các biện pháp này không chỉ giúp ta duy trì cân nặng và giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư mà còn có thể tránh trầm cảm, làm cho tâm trạng của bạn được thoải mái hơn.
19. Hợp chất hữu cơ Formaldehyde: Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm và thấy rằng formaldehyde có thể gây ung thư mũi ở chuột.
Nó sử dụng trong một số sản phẩm keo và xây dựng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cảnh báo rằng nó có thể gây ung thư ở người.
20. Ô nhiễm không khí: Các hạt bụi trong không khí cũng có thể dẫn đến ung thư.
Bồ hóng nói chung là không tốt. Tại London, mọi người bắt đầu nhận thấy có rất nhiều công nhân quét ống khói mắc bệnh ung thư tinh hoàn trong thập niên 1770. Các nghiên cứu tiếp theo đã tìm thấy mối liên hệ giữa công việc quét ống khói và ung thư ở tỷ lệ cao hơn.
Việc hít thở phải các loại khí bụi này cũng dẫn đến ung thư phổi, thực quản và bàng quang.
21. Silica: Silica là một khoáng chất tự nhiên được tìm thấy trong cát, đá và bê tông. Khi công nhân xây dựng và thợ mỏ hít phải các hạt silica bởi các công việc như cắt, cưa hoặc khoan vào đá, nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
22. Tia bức xạ: Chúng ta biết rằng tia X và tia gamma có thể gây ung thư. Chúng cũng được phát ra từ tia UV của ánh sáng Mặt Trời.
Nhưng đến thăm khám bác sĩ đôi khi cũng sẽ không thể biết được bạn có mắc phải bệnh ung thư hay không.
Mối quan hệ giữa việc nhiễm phóng xạ và ung thư xuất hiện trong các nghiên cứu đối với những người đã tiếp xúc với hàm lượng phóng xạ cao, như những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ hạt nhân Chernobyl, Ukraina. Và những người bị ung thư, đôi khi lại được điều trị bằng lượng phóng xạ cao.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cảnh báo rằng "không có ngưỡng an toàn đối với loại bức xạ này".
23. Bệnh mãn tính lâu dài gây tổn hại DNA: Bệnh mãn tính từ việc nhiễm trùng trong thời gian dài, bệnh đường ruột, hoặc béo phì có thể làm tổn thương DNA của một số người và dẫn đến tỷ lệ ung thư cao hơn.
24. Một số loại nhựa: Nhựa có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là khi chúng thấm hóa chất thông qua các vết trầy xước hoặc vết nứt trong một container.
BPA là một estrogen tổng hợp đã được sử dụng trong nhiều chất dẻo và nhựa từ những năm 1960.
Nhựa BPA có thể được sử dụng bên trong các sản phẩm như lon đựng thực phẩm bằng kim loại, dùng làm chất bịt kín. Trong khi nhựa polycarbonate BPA có thể được sử dụng đối với các chai nước và hộp đựng thực phẩm.
BPA thậm chí còn xuất hiện trên các loại giấy bóng sáng để giữ nét mực.
Trong khi nhiều nhà sản xuất nhựa đã bắt đầu ghi lên nhãn sản phẩm của họ là "không BPA", thì vẫn còn rất nhiều thứ gây ung thư vú và tuyến tiền liệt xung quanh.
24. Acrylamide: Màu nâu của một số loại thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao như bánh mì, cà phê, hoặc khoai tây chiên... được tạo ra bởi một hợp chất hóa học gọi là acrylamide. Điều này xảy ra một cách tự nhiên trong một quá trình gọi là phản ứng Maillard.
Nhưng lượng acrylamide trong cốc cà phê hoặc bánh quy có thể sẽ không ảnh hưởng đến bạn. Nguy hiểm chỉ đến khi bạn tiêu thụ với liều lượng lớn và là một trong những người hít phải hóa chất độc hại. Không có nghiên cứu nào cho thấy màu nâu là có hại đối với sức khoẻ.
Một thẩm phán ở California, Mỹ đã phán quyết vào đầu năm nay rằng người bán cà phê cần phải có các nhãn cảnh báo cho khách hàng của họ về nguy cơ ung thư có thể xảy ra từ acrylamide trong cà phê.
Acrylamide chỉ là một trong số hơn 1.000 hóa chất trong danh sách mà tiểu bang California đưa ra về các hợp chất gây ung thư. Theo Luật, California đã đặt các cảnh báo về bệnh ung thư trên tất cả mọi thứ, từ bãi đậu xe đến ghế của các nha sĩ.
Mặc dù tất cả những gì chúng ta ăn, đi đứng và hít thở mỗi ngày đều có thể là nguyên nhân làm phát triển một số loại bệnh ung thư, nhưng điều quan trọng cần nhớ là bệnh ung thư vẫn chưa được hiểu một cách chính xác và đầy đủ.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm các phương pháp điều trị ung thư đầy tiềm năng.
*Theo msn.com
0 comments:
Post a Comment